무료상담센터 000-0000-0000

자유게시판

등록자천안모이세

등록일2018-04-26

조회수4,316

제목

BÀI PHÁT BIỂU NGÀY LỄ DI DÂN(이민의날 국내이주사목위원회 위원장주교 담화문-베트남어)

BÀI PHÁT BIỂU NGÀY LỄ DI DÂN


“Đón tiếp, Bảo vệ, Thăng tiến và Hội nhập người di dân và tị nạn”

Anh chị em thân mến, bài chia sẻ trong ngày di dân hôm nay, xin chân trọng giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Thế giới Di dân và Tị nạn và cũng nói đến hoàn cảnh thực tế của chúng ta.

“Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi ; các ngươi hãy yêu thương họ như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.” (Lv 19,34). Trong những năm đầu thi hành sứ vụ Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha đã đặc biệt quan tâm đến tình trạng khó khăn của người nhập cư và tị nạn, đang trốn chạy chiến tranh, khủng bố, thiên tai và đói nghèo. Đức Thánh Cha cũng đã thành lập Thánh bộ Cổ võ sự phát triển con người toàn diện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ngài, để bày tỏ sự quan tâm của Giáo hội đối với những người di cư, tị nạn và nạn nhân của nạn buôn người.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh mọi cộng đồng đều có nghĩa vụ với 4 động từ: "đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập" ở mọi giai đoạn kinh nghiệm nhập cư, từ lúc xuất phát, trong hành trình, đến nơi và trở về của tất cả những di dân. Như thế, là thành viên của cộng đồng Công giáo, tất cả chúng ta đều được kêu gọi đáp ứng một cách rộng rãi, nhanh chóng, khôn ngoan và tiên liệu đối với người di dân và tỵ nạn.

Trước tiên, động từ “đón tiếp” có nghĩa là cung cấp nhiều lựa chọn rộng hơn cho người di dân, để họ nhập cư vào quốc gia một cách an toàn và hợp pháp. Điều này đòi hỏi một cam kết cụ thể, để gia tăng và đơn giản hóa quá trình cấp thị thực nhân đạo và việc đoàn tụ gia đình. Hơn nữa, sự đón tiếp này đòi hỏi những nguyên tắc lấy con người làm trung tâm. Chúng ta cần có một cơ cấu xã hội, nơi cá nhân có thể sống trong môi trường được tôn trọng và an toàn, và cần phải ý thức đón tiếp hơn nơi những người có trách nhiệm đón tiếp người di dân. Một mục tử đang làm việc trong Trung tâm Mục vụ Di dân đã nói rằng: "Nếu bạn gặp một người di dân trên đường phố, bạn đừng trốn chạy nhưng hãy vui vẻ đón chào". Quả vậy, nụ cười ấm áp và lời chào thân ái của chúng ta sẽ là nguồn sức mạnh cho những người di dân đã đến từ một vùng đất xa xôi.

Động từ “bảo vệ”, được hiểu như hàng loạt những bước nhằm bảo vệ quyền và phẩm giá của người di dân và tị nạn, bất kể tình trạng pháp lý của họ. Phải bảo đảm họ được giúp đỡ đầy đủ về quyền có giấy căn cước, quyền tiếp cận tư pháp công bằng từ lãnh sự quán, có thể mở tài khoản cá nhân và được chi phí sinh hoạt tối thiểu. Hiệp ước quốc tế về quyền trẻ em cung cấp cơ sở pháp lý phổ quát cho việc bảo vệ người nhập cư thiểu số. Không nên giam giữ bất cứ hình thức nào những người di dân vị thành niên, vì tình trạng nhập cư của họ và phải bảo đảm họ được học hành trong các trường tiểu học và trung học. Cũng vậy, họ được hưởng quyền lợi và được tiếp tục học hành khi đến tuổi trưởng thành. Hơn nữa, họ có thể nhập quốc tịch, và tất cả trẻ em khi sinh ra tại đây đều được quyền có quốc tịch.

Hiện nay, cả nước có khoảng 150.000 trẻ em di cư mà không có giấy tờ cư trú, để có thể ghi danh theo quy định vào trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Nhưng được phép hay không đều tùy thuộc vào Hiệu trưởng, nhưng ngay cả khi bị từ chối, cũng không đưa ra một biện pháp nào. Thông qua sự hướng dẫn nội bộ của Bộ Tư pháp, trẻ em di dân không có giấy tờ cư trú không thể đăng ký vào các trường học, và một năm có hơn 100 trẻ nước ngoài bị ép buộc trục xuất không trì hoãn vì không có giấy tờ. Trong số đó có những trẻ em sinh ra tại Hàn Quốc, lớn lên một thời gian dài ở Hàn Quốc và lại có một bản sắc như người Hàn Quốc. Ngoài ra, trẻ em di dân và tị nạn không có giấy tờ hầu như không thể đăng ký khai sinh và quyền có quốc tịch cũng như quyền bảo hiểm xã hội của họ đang bị xem thường. Vì vậy, cần chuẩn bị một chính sách nhập cư đặc biệt, để có thể cấp phép lưu trú hợp pháp cho trẻ em và người giám hộ.

Chính sách thị thực của quốc gia cho người nước ngoài hiện nay không có điều khoản về trường hợp phụ nữ bị bạo lực tình dục, bạo lực gia đình và là nạn nhân mua bán tình dục. Trong trường hợp một phụ nữ nhập cư không giấy tờ mà bị bạo lực, cô ấy sẽ khó khăn tố cáo, vì sợ bị trục xuất. Cho nên, cần giám sát và bảo đảm chỗ ở cho người nữ di dân lao động được an toàn và vệ sinh, cũng như đời sống cá nhân của họ được tôn trọng. Người nữ di dân lao động làm việc cần phải giáo dục ngăn ngừa bạo lực, cũng như cách tố cáo khi họ là nạn nhân bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, mại dâm, và nếu họ không được lưu trú, phải bảo đảm họ được đền bù đầy đủ, trước khi bị trục xuất. Ngay cả khi dùng các tổ chức hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, không nên bị phân biệt đối xử giữa phụ nữ Hàn Quốc và phụ nữ di dân, nhưng vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nhập cư mà không kết hôn với người Hàn.

Động từ “Thăng tiến” là một nỗ lực quyết tâm để bảo đảm rằng người di dân và tị nạn, cúng như cộng đồng chào đón họ đều được trao quyền để đạt được các tiềm năng của họ như là một con người. Bởi vì "lao động tự bản chất của nó là để liên kết mọi dân tộc ". Đức Thánh Cha nhấn mạnh : Tôi khuyến khích một nỗ lực quyết tâm nhằm thăng tiến việc tiếp nhận người di dân và tị nạn về mặt xã hội và nghề nghiệp, bảo đảm mọi người đều được làm việc, được học ngôn ngữ và có quyền công dân, cũng như được cung cấp thông tin đầy đủ bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Người di dân lao động trong ngành nông nghiệp hay chăn nuôi có xu hướng làm việc ở các nơi biệt lập và cô lập về địa lý. Họ phải làm việc cực nhọc lâu dài trong một môi trường khắc nghiệt. Đặc biệt tại nước ta, người di dân nhận tiền lương thấp hơn so với người dân địa phương, còn bị khấu trừ vì chi phí ăn uống. Thực tế, họ nhận được mức lương thấp hơn cả mức lương tối thiểu. Trong trường hợp này, tỷ lệ trốn bỏ đi khá cao, nên họ bị giữ thẻ căn cước như một biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát việc họ trốn thoát.

“Hội nhập” là động từ cuối cùng, liên quan đến  sự phong phú lẫn nhau giữa các nền văn hoá xuất hiện từ sự hiện diện của người nhập cư và người tị nạn. Hội nhập không phải là “đồng hóa để đẩy người nhập cư đến chỗ xoá bỏ hay quên đi bản sắc văn hoá riêng của họ.” Nhưng, việc tiếp xúc người khác dẫn tới chỗ ‘khám phá sự khác biệt’ của họ, cởi mở với họ, để đón nhận các mặt đúng đắn của họ và như thế góp phần vào việc hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Quá trình hội nhập có thể được đẩy nhanh bằng cách cấp quốc tịch mà không yêu cầu về tài chính hay ngôn ngữ, và bằng cách mở ra khả năng hợp pháp hoá đặc biệt là đối với người di dân muốn được cư trú dài hạn ở quốc gia muốn đến.

Chính sách hỗ trợ cho người nữ di dân nên tập trung vào quyền con người của phụ nữ và nên đưa ra một chính sách hỗ trợ ưu tiên cho họ. Phụ nữ di dân là một thành phần trong chính sách gia đình và cần tiến hành theo quan điểm hội nhập.

Trong hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 19.09.2016, các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng cam kết chia sẻ trách nhiệm và giúp đỡ người di dân và tị nạn, để cứu sống và bảo vệ quyền lợi của họ. Cuối cùng, năm 2018, các nước đã soạn thảo và thông qua hai dự thảo của Hiệp ước Quốc tế về di dân và tị nạn. Chính phủ Hàn Quốc và mỗi Trung tâm Mục vụ Di dân của giáo phận được khuyến khích nghiên cứu và thực hiện 20 hướng dẫn hoạt động cho người di dân và tị nạn, được ban hành do Ủy ban Di dân thuộc Thánh bộ Phát triển con người toàn diện.

Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ Maria niềm hy vọng của tất cả những người di dân và tị nạn trên toàn thế giới, cũng như nguyện vọng của các cộng đồng đón tiếp họ, và cùng học hỏi cách yêu thương tha nhân và ngoại kiều như chính mình, theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Cầu chúc anh chị em đạt được điều đó. Chúng tôi chuẩn bị bài phát biểu này bằng việc tổng kết và tóm tắt Sứ điệp Di dân của Đức Thánh Cha, theo chiều hướng về sự quan tâm và tính liên đới toàn cầu.


Ủy ban Mục vụ của Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc
Chủ tịch Giám Mục Jung Shin-Chul

0

추천하기

0

반대하기
첨부파일 다운로드:
  • 페이스북 공유
  • 트위터 공유
  • 인쇄하기
 
스팸방지코드 :
하단로고

천주교대전교구 이주사목부 / 충남 천안시 동남구 영성로 67(오룡동) 외환은행천안지점3

TEL : 041) 523-2666  /  Fax : 041) 568-2666 / E-mail : camoyse@hanmail.net

Copyright (c) 2013. All rights reserved